Tóm tắt lịch sử xây dựng Bảo tàng đất trên Thế giới



Monolith (tiêu bản nguyên khối) đất được lấy lần đầu tiên ở Nga trong những thập niên cuối của thế kỷ 19. Những phẫu diện đất lấy ở Nga được trưng bày tại triển lãm Columbia ở Chicago (Mỹ) năm 1893-1894. Monolith đất được lấy bằng cách luồn một hộp sắt có cạnh vào bề mặt thẳng đứng của hố phẫu diện, tương tự như các phương pháp của Rispoloshensky (1897) và Kubiởna (1953) được áp dụng tại Mỹ.

Tại Hội nghị Thổ nhưõng Quốc tế lần thứ nhất ở Washington năm 1927, 19 Monolith cỡ lớn lấy từ Latvia đã được trưng bày. Những loại đất này được để trong các hộp gỗ (Kasakin và Krasynk, 1917; Hodgson, 1978 và Polưnov,1929). Năm 1925, Miklaszewski đã đề nghị cùng hợp tác tổ chức trao đổi các Monolith đất và các dữ liệu tầm cỡ quốc tế. Năm 1927, Vilenski đã xuất bản tài liệu "Về việc tổ chức trao đổi các Monolith đất dựa trên việc tuân thủ một số cải tiến kỹ thuật cần thiết trong việc lấy và dán Monolith". Sau đó, Miklaszewski đã viết về việc thu thập Monolith đất của Bảo tàng Nông nghiệp ở Vácsava, Ba Lan, với kết luận: Lấy monolith vào hộp gỗ có chiều dài 100-200 cm là dễ lấy, dễ vận chuyển và dễ trưng bày.

Năm 1929, Polưnov và những người khác thuộc Viện Thổ nhưỡng Dokuchaev đã biên soạn cuốn "Giới thiệu phương pháp thu thập Monolith và mẫu đất cho nghiên cứu trong phòng thí nghiệm".

Ở nửa đầu của thế kỷ này, trong những phương pháp thu thập Monolith đất, tuy chưa đề cập đến kỹ thuật bảo quản, song cũng có một vài thử nghiệm nhằm làm ổn định các vật liệu đất nhờ các chất thấm. Phương pháp dùng dung dịch đường bão hòa đã được sử dụng ở những năm đầu tại Liên Xô cũ (Ponomareva, 1974).

Việc bảo quản các phẫu diện đất được giới thiệu vào năm 1928, khi Schlacht đề cập việc sử dụng giấy bồi dầy được phết chất dính và ép vào thành phẫu diện, khi khô, các hạt đất dính vào giấy bồi. Phương pháp "Klebeplatten Monolith " này, theo Jager và Van der Voort (1966), chỉ thích hợp với các loại đất cát và đất có cơ giới trung bình, một lớp mỏng của phẫu diện đất được thấm chất dính ở đúng vị trí của nó, kết quả là tạo nên một "mẫu lát mỏng" (Lacquer Peel). Kỹ thuật thu thập các Monolith đất vào hộp kim loại hay hộp gỗ vẫn chủ yếu như phương pháp sử dụng lần đầu tiên ở Liên Xô cũ. Trong 2 thập niên cuối, người ta đã sử dụng những máy móc phù hợp, tạo được các mẫu đất hình trụ dài, không bị xáo trộn (Matelski,1949).

Một số hóa chất mới được tạo ra dùng cho việc thấm vật liệu đất (Maarse và Terwindt, 1964; Bouma, 1969), chủ yếu sử dụng các loại chất kết dính được làm từ Nitrocellulose, (Voigt-1936 và Gracanin, Janecovic-1940) và keo Vinylite (Berger và Muckenhirn, 1978). Một số người sử dụng các chất được làm từ keo Polyeste (Maarse và Terwindt, 1964), trong khi đó Hammond (1974) lại thấm các loại đất hữu cơ bằng cách nhúng đất vào chất trùng hợp Polyetylen Glycol có phân tử lượng thấp. Bouma (1966) đưa ra rất nhiều các mẫu vật khác nhau ở cả 2 dạng chưa được làm chắc và đã được làm chắc. Van der Voort (1970) đã biên soạn một thư mục về việc lấy và bảo quản các Monolith đất và các mẫu lát mỏng. Từ năm 1966, Bảo tàng đất Quốc tế đã sử dụng các chất kết dính được làm từ Nitrocellulose và chất Polymethyl Methacrylate để bảo quản các Monolith đất được nêu trong " Quy trình thu thập các loại đất cho Bảo tàng đất Quốc tế " (xuất bản năm 1972, tái bản năm 1974, 1975 và 1977).          
"Bảo tàng Đất Quốc tế" - International Soil Museum (ISM) được hình thành từ năm 1952, nhưng đến Hội nghị Thổ nhưỡng Thế giới (ISSS) lần thứ 7 (1960) và 8 (1964) mới được giới thiệu và công nhận. Năm 1966, Bảo tàng được chính thức thành lập, đặt tại Wageningen - Hà Lan.

Đến tháng 1-1984, do yêu cầu nhiệm vụ, ISM đổi tên thành Trung tâm thông tin tư liệu đất quốc tế (International Soil Reference and Information Centre) viết tắt là ISRIC, hoạt động trong sự hợp tác và tài trợ của UNESCO, FAO và ISSS.

Hiện nay, ISRIC đã lưu giữ và trưng bày trên 800 mẫu tiêu bản nguyên khối với kỹ thuật và cơ sở vật chất hiện đại có đầy đủ thông tin tư liệu đất của trên 60 quốc gia trên Thế giới. Trung tâm thông tin tư liệu đất Quốc tế thực sự là nơi trao đổi, học tập, đào tạo, hội thảo... về đất của Thế giới.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More