Năm 2012, Chi ngân sách cho nông nghiệp chiếm 40%



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, trong năm 2012, dự toán NSNN dành cho nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ là trên 308 nghìn tỉ đồng, chiếm 40,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội...

Chủ tịch Quốc hội bổ sung, con số trên còn chưa bao gồm nhiều nguồn tín dụng, và điều đó chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. “Chính sách nông nghiệp, nông thôn và nông dân; giải pháp đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lấy nông dân làm căn bản, nông thôn làm cơ sở đang là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay. Đó là mấu chốt của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa”.

Tham gia trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, mức đầu tư của Chính phủ cho ngành nông nghiệp luôn rất rất lớn, hàng năm tăng trung bình 30% so với năm trước. Dự toán năm 2012, NSNN dành cho nông nghiệp là 308 nghìn tỉ đồng, chiếm tới 40,9% NSNN. Nền nông nghiệp vững mạnh, niềm tin của nông dân và nông thôn ổn định chính là cơ sở để nền kinh tế vĩ mô có thể sớm lấy lại được đà phục hồi.

Nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ xã hội. (Ảnh: Bảo Sơn).
Về bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng Vương Đình Huệ thông báo, bắt đầu từ đầu năm 2012, công tác thí điểm sẽ được tiến hành, trước tiên tập trung vào rủi ro thiên tai (nước biển dâng, rét đậm rét hại, lũ lụt…) và dịch bệnh (gia súc, tai xanh, thủy sản, rầy nâu…).

“Trong năm tới, Bộ Tài chính sẽ bố trí 1.200 tỉ đồng ngân sách cho bảo hiểm nông nghiệp. Nếu sử dụng hiệu quả thì sẽ có những bước phát triển rất tốt. 3 đối tượng được ưu tiên là cây lúa và cây hoa màu (bao gồm bờ, đê, giống)…; gia súc (trâu bò, lợn, gia cầm…); thủy sản (cá tra, cá sa, tôm sú, tôm chân trắng…). NSNN hỗ trợ 100% cho hộ nghèo, 80% hộ cận nghèo, các hộ khác là 60%. Doanh nghiệp tham gia bảo hiểm được hỗ trợ 20%. NSNN hỗ trợ 100% cho nguồn bảo hiểm này”, Bộ trưởng Huệ cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phân tích, ngành nông nghiệp phải bảo vệ bằng được những mặt hàng như muối, đường ăn, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu. Các mặt hàng khác được nhập khẩu không hạn chế, nhưng phải kiểm soát nghiêm ngặt về kỹ thuật và chất lượng. Với rau quả nông sản, năm 2010 chúng ta xuất khẩu đạt 76 triệu USD, nhập khẩu 60 triệu USD. Bởi vậy, biện pháp duy nhất để duy trì thành tích trên là chúng ta phải xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật tiệm cận thế giới, thì rau quả của chúng ta mới có cơ hội sống sót. Tiêu thụ sản phẩm và xây dựng hệ thống phân phối đặc biệt với 11 mặt hàng thiết yếu như gạo, muối, phân bón, thức ăn gia súc…

“Tuy nhiên, mức độ đầu tư cho hệ thống phân phối khác nhau nên hiệu quả cũng khác nhau. Chẳng hạn gạo thực hiện rất tốt, muối cũng có những đảm bảo nhất định cho diêm dân. Tuy nhiên, riêng mặt hàng thức ăn gia súc, phân bón thì còn có một số hạn chế. Thời gian tới cần phải kêu gọi nhiều thành phần tham gia vào hệ thống phân phối để đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Vấn đề yếu nhất trong phân phối và tiêu thụ là lĩnh vực rau quả, do chưa có biện pháp căn cơ. Thời gian tới sẽ tập trung vào lĩnh vực này. Xuất khẩu nông sản sẽ tăng cường việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xúc tiến thương mại”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cảnh báo.

Nguồn: (Petrotimes) 

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More