Triển hạn nghị định thư Kyoto thêm năm năm nữa. 194 nước đã nhất trí thông qua thỏa thuận Nền tảng hành động nâng cao Durban.
Rạng sáng 11-12, hội nghị các bên của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 17 đã bế mạc tại TP Durban (Nam Phi). 194 nước đã nhất trí thông qua thỏa thuận Nền tảng hành động nâng cao Durban.
Hội nghị đã kéo dài hơn lịch trình đến 36 giờ. |
Sang năm tới, nghị định thư Kyoto (thỏa thuận duy nhất cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính) đã hết hạn, do đó cần phải có một nghị định thư mới. Tuy nhiên, sau 12 ngày thương lượng, hội nghị có nguy cơ bế tắc.
Liên minh châu Âu, 42 đảo quốc và 48 nước nghèo nhất không chấp thuận một thỏa thuận yếu ớt.
Các nước nghèo không muốn cắt giảm khí thải nhà kính và buộc các nước công nghiệp giàu có phải cam kết cắt giảm vì thải khí thải nhiều hơn. Ấn Độ kiên quyết không chịu cam kết cắt giảm khí thải vì Ấn Độ cho rằng cam kết này sẽ đe dọa đến kinh tế. Đến giờ phút chót, Ấn Độ mới nhượng bộ.
Đúng ra hội nghị bế mạc ngày 9-12 nhưng phải tiếp tục kéo dài thêm hai ngày.
Các đại biểu ngủ vạ vật vào rạng sáng 11-12. Ảnh: GETTY IMAGES |
Thỏa thuận Nền tảng hành động nâng cao Durban bao gồm các điểm chính như sau:
- Nhất trí khởi động lộ trình đàm phán về hiệp ước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mang tính ràng buộc pháp lý vào năm 2012. Dự kiến hiệp ước sẽ hoàn tất vào năm 2015 và có hiệu lực vào năm 2020.
- Đồng ý triển hạn nghị định thư Kyoto sang giai đoạn 2 kéo dài từ năm 2013-2017 sau khi các cam kết ở giai đoạn 1 kết thúc vào năm 2012.
- Ủng hộ cơ chế phát triển sạch trong khuôn khổ nghị định thư Kyoto.
Cơ chế phát triển sạch thưởng chứng chỉ giảm phát khí thải cho các chính phủ và công ty đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ năng lượng sạch ở các nước đang phát triển, sau đó có thể bán lại chứng chỉ để kiếm lời.
Quy định mới buộc các công ty phát triển dự án phải dự trữ 5% chứng chỉ giảm phát khí thải kiếm được. Họ chỉ được chính thức sở hữu số chứng chỉ này sau khi các chuyên gia giám sát chứng thực không có khí CO2 rò rỉ từ hầm chôn cất dưới lòng đất 20 năm sau khi chứng chỉ hết hạn.
- Tìm kiếm các cơ chế thị trường mới nhằm khuyến khích cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (năm sau sẽ thảo luận).
- Xem xét huy động quỹ tư nhân và sử dụng cơ chế thị trường để tài trợ cho các chương trình giảm khí thải từ phá rừng và làm thoái hóa rừng (năm sau sẽ thảo luận).
- Sớm thành lập quỹ khí hậu xanh với đầy đủ nhân sự, văn phòng hoạt động nhằm huy động 100 tỉ USD vào năm 2020 để giúp đỡ dân nước nghèo đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã chúc mừng hội nghị đạt được thỏa thuận.
- Chương trình Năng lượng và công lý khí hậu: Các nước phát triển thất hứa, chỉ đưa ra những quy định yếu để đối phó nhưng củng cố những quy định cho phép doanh nghiệp nước họ hưởng lợi từ khủng hoảng khí hậu.
- Tổ chức Hòa bình xanh quốc tế: Thỏa thuận đạt được tại hội nghị lần này chẳng khác gì thỏa thuận tự nguyện cắt giảm khí thải đã bị gác cách đây 10 năm.
- Tổ chức cứu trợ Christian Aid (Anh): Đây chỉ là thỏa hiệp nhằm cứu vãn đàm phán nhưng gây nguy hiểm cho dân nghèo vì đến năm 2020 hiệp ước cắt giảm khí thải mới có hiệu lực.
|
(Theo Reuters, Bloomberg, Guardian)