Lân tham gia vào thành phần các enzim, các prôtêin, tham gia vào quá trình tổng hợp các axit amin.
Lân kích thích sự phát triển của rễ cây, làm cho rễ ăn sâu vào đất và lan rộng ra chung quanh, tạo thêm điều kiện cho cây chống chịu được hạn và ít đổ ngã.
Lân kích thích quá trình đẻ nhánh, nảy chồi, thúc đẩy cây ra hoa kết quả sớm và nhiều.
Lân làm tăng đặc tính chống chịu của cây đối với các yếu tố không thuận lợi: chống rét, chống hạn, chịu độ chua của đất, chống một số loại sâu bệnh hại v.v…
Ở một số loại đất trên nước ta, lân trở thành yếu tố hạn chế đối với năng suất cây trồng. Đặc biệt ở hầu hết các loại đất trồng lúa ở các tỉnh phía Nam. Thiếu lân không những làm cho năng suất cây trồng giảm mà còn hạn chế hiệu quả của phân đạm.
Hiệu suất của phân lân khá cao. Trên một số loại đất ở Tây Nguyên bón 1 kg P2O5 cho hiệu quả thu được 4,3 – 7,5 kg cà phê nhân, 8,5 kg thóc. Ở các vùng đất phèn mới khai hoang, hiệu suất của phân lân càng cao hơn, 1 kg P2O5 mang lại 90 kg thóc, ở mức bón 40 – 60 kg P2O5/ha.
Bón quá nhiều phân lân trong nhiều trường hợp có thể làm cho cây bị thiếu một số nguyên tố vi lượng. Vì vậy, cần bón thêm phân vi lượng, nhất là Zn.
* Phôtphat nội địa:
Đó là loại bột mịn, màu nâu thẫm hoặc đôi khi có màu nâu nhạt. Tỷ lệ lân nguyên chất trong phân thay đổi rất nhiều, từ 15% đến 25%. Loại phân thường có trên thị trường có tỷ lệ là 15 – 18%.
Trong phân phôtphat nội địa, phần lớn các hợp chất lân nằm ở dạng khó tiêu đối với cây trồng. Phân có tỷ lệ vôi cao, cho nên có khả năng khử chua.
Vì lân trong phân ở dưới dạng khó tiêu, cho nên phân chỉ dùng có hiệu quả ở các chân đất chua. Ở các chân ruộng không chua, hiệu lực của loại phân này thấp; ở loại đất này, loại phân này dùng bón cho cây phân xanh có thể phát huy được hiệu lực.
Phân này chỉ nên dùng để bón lót, không dùng để bón thúc.
Khi sử dụng có thể trộn với phân đạm để bón, nhưng trộn xong phải đem bón ngay, không được để lâu.
Phân này dùng để ủ với phân chuồng rất tốt.
Phân phôtphat nội địa ít hút ẩm, ít bị biến chất, cho nên có thể cất giữ được lâu. Vì vậy, bảo quản tương đối dễ dàng.
* Phân apatit:
Là loại bột mịn, màu nâu đất hoặc màu xám nâu.
Tỷ lệ lân nguyên chất trong phân thay đổi nhiều. Thường người ta chia thành 3 loại: loại apatit giàu có trên 38% lân; loại phân apatit trung bình có 17 – 38% lân; loại phân apatit nghèo có dưới 17% lân.
Thường loại apatit giàu được sử dụng để chế biến thành các loại phân lân khác, còn loại trung bình và loại nghèo mới được đem nghiền thành bột để bón cho cây.
Phần lớn lân trong phân apatit ở dưới dạng cây khó sử dụng.
Apatit có tỷ lệ vôi cao nên có khả năng khử chua cho đất.
Phân này được sử dụng tương tự như phôtphat nội địa.
Sử dụng và bảo quản phân này tương đối dễ dàng vì phân ít hút ẩm và ít biến chất.
* Supe lân:
Là loại bột mịn màu trắng, vàng xám hoặc màu xám thiếc. Một số trường hợp supe lân được sản xuất dưới dạng viên.
Trong supe lân có 16 – 20% lân nguyên chất. Ngoài ra, trong phân này có chứa một lượng lớn thạch cao. Trong phân còn chứa một lượng khá lớn axit, vì vậy phân có phản ứng chua.
Phân dễ hoà tan trong nước cho nên cây dễ sử dụng. Phân thường phát huy hiệu quả nhanh, ít bị rửa trôi.
Supe lân có thể dùng để bón lót hoặc bón thúc đều được.
Phân này có thể sử dụng để bón ở các loại đất trung tính, đất kiềm, đất chua đều được. Tuy nhiên, ở các loại đất chua nên bón vôi khử chua trước khi bón supe lân.
Supe lân có thể dùng để ủ với phân chuồng.
Nếu supe lân quá chua, cần trung hoà bớt độ chua trước khi sử dụng. Có thể dùng phôtphat nội địa hoặc apatit. Nếu đất chua nhiều dùng 15 – 20% apatit để trung hoà, đất chua ít dùng 10 – 15%. Nếu dùng tro bếp để trung hoà độ chua của supe lân thì dùng 10 – 15%, nếu dùng vôi thì tỷ lệ là 5 – 10%.
Phân supe lân thường phát huy hiệu quả nhanh, cho nên để tăng hiệu lực của phân, người ta thường bón tập trung, bón theo hốc, hoặc sản xuất thành dạng viên để bón cho cây.
Phân này có thể dùng để hồ phân rễ mạ.
Supe lân ít hút ẩm, nhưng nếu cất giữ không cẩn thận phân có thể bị nhão và vón thành từng cục. Phân có tính axit nên dễ làm hỏng bao bì và dụng cụ đong đựng bằng sắt.
* Tecmô phôtphat (phân lân nung chảy, lân Văn Điển):
Phân có dạng bột màu xanh nhạt, gần như màu tro, có óng ánh.
Tỷ lệ lân nguyên chất trong tecmô phôtphat là 15 – 20%. Ngoài ra trong phân còn có canxi 30% một ít thành phần kiềm, chủ yếu là magiê 12 – 13%, có khi có cả kali.
Tecmô phôtphat có phản ứng kiềm, cho nên không nên trộn lẫn với phân đạm vì dễ làm cho đạm bị mất.
Phân này không tan trong nước, nhưng tan được trong axit yếu. Cây sử dụng dễ dàng. Phân có thể sử dụng để bón lót hoặc bón thúc đều tốt.
Tecmô phôtphat phát huy hiệu lực tốt ở các vùng đất chua, vì phân có phản ứng kiềm. Phân sử dụng có hiệu quả trên các vùng đất cát nghèo, đất bạc màu vì phân chứa nhiều vôi, có các nguyên tố vi lượng và một ít kali.
Phân này thường được bón rải, ít khi bón tập trung và ít được sản xuất dưới dạng viên.
Không sử dụng tecmô phôtphat để hồ phần rễ mạ.
Tecmô phôtphat ít hút ẩm, luôn ở trong trạng thái tơi rời và không làm hỏng dụng cụ đong đựng.
* Phân lân kết tủa:
Phân có dạng bột trắng, nhẹ, xốp trong giống như vôi bột. Phân có tỷ lệ lân nguyên chất tương đối cao, đến 27 – 31%. Ngoài ra trong thành phần của phân có một ít canxi.
Phân này được sử dụng tương tự như tecmô phôtphat.
Phân ít hút ẩm cho nên bảo quản dễ dàng.