Lâu nay, sản xuất giống cây trồng của nước ta còn nhiều yếu kém là bởi chưa xây dựng được một chiến lược dài hơi và đầu tư thích đáng cho công tác này. Đã đến lúc, ngành nông nghiệp phải nhìn nhận lại và bắt tay vào xây dựng chiến lược cho hạt giống.
Với số lượng hạt giống sản xuất trong nước còn ít ỏi, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng lớn hạt giống từ nước ngoài, trong đó phần lớn từ Trung Quốc.
Thiếu nguồn “giống nội”
Mô hình ươm tạo giống hoa lan chất lượng cao (Ảnh: Ánh Tuyết)
Hiện hạt giống lúa lai trong nước mới chỉ đáp ứng được 20 - 25%, còn lại trên 70% phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Việt Nam mới chỉ chọn tạo có 4 giống lúa lai ba dòng và được công nhận chính thức (HYT83, HYT100, Bác ưu 903KBL, Nam ưu 1) cùng 5 giống công nhận sản xuất thử (HYT92, Nam ưu 603, Nam ưu 604, CT16, LC25). Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất nước ta với 1,85 triệu ha đất lúa, cung cấp đến 80% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, theo TS Lưu Hồng Mẫn, Viện phó Viện Lúa ĐBSCL thì một trong những khâu yếu trong sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay là thiếu các giống lúa năng suất và chất lượng cao, thích nghi với đặc thù từng vùng sinh thái như phèn, mặn…Hệ thống cung cấp giống nhà nước hiện mới chỉ đáp ứng 20% giống, còn lại nông dân phải sử dụng 80% giống kém chất lượng, trôi nổi.
Theo Bộ KH-CN, trong vòng 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã tạo và tuyển chọn được gần 170 giống lúa mới. Kết quả đó không thể phủ nhận; song công việc này được cho là chưa bền vững và chưa có đột phá về năng suất, chất lượng. Với lúa thuần, Việt Nam chọn tạo được 92,8%, song diện tích trồng các giống đó chỉ khoảng 65-70%. Với lúa lai, do điều kiện khí hậu nên sản xuất hạt lai, nhất là lai 3 dòng rất khó khăn, dẫn đến sản xuất trong nước mới chỉ đạt 3.200 - 3.500 tấn, đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu, còn lại phải nhập từ Trung Quốc.
Không chỉ thiếu về nguồn cung, hiện tượng thoái hóa giống cây trồng, nhất là những giống tốt, có thương hiệu của nước ta cũng đang gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp như thoái hóa giống cà phê ở Tây Nguyên, giống lúa ở các tỉnh phía Bắc…
Nguyên nhân là do khâu quy hoạch sản xuất còn yếu, người dân gieo trồng nhiều loại cây trên một cánh đồng dẫn đến sự lai tạp, giao phấn chéo. Đặc biệt, 80% nguyên nhân khiến cho giống bị thoái hóa là do quá trình thu hoạch, phơi sấy, bảo quản… không đảm bảo.
GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, tại ĐBSCL, lượng giống lúa tốt chỉ chiếm khoảng 25 - 30%, còn lại là giống nhân dân tự làm, chất lượng thấp, làm giảm năng suất từ 10 - 15%.
Xây dựng chiến lược tổng thể
Theo GS Trần Đình Long, Nhà nước cần xây dựng chiến lược tổng thể và đồng bộ phát triển giống cây trồng, trong đó nên lựa chọn một số giống cây chủ lực để phát triển thương hiệu. Quan trọng hơn vẫn là ứng dụng công nghệ sinh học, khai thác thế ưu thế lai, công nghệ chuyển ghép gen kết hợp với lai tạo và chọn lọc truyền thống để chọn tạo các giống lúa thích nghi với điều kiện bất lợi của khí hậu, đất đai, sâu bệnh,…
Theo ông Vũ Hồng Quảng – Viện Nghiên cứu lúa, Đại học Nông nghiệp I cho biết: Để tháo gỡ bài toán khan hiếm giống thì cần phải có sự phối hợp giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đặc biệt, nhà khoa học phải thực sự “nhập cuộc”, tham gia vào quá trình sản xuất giống, tạo ra nhiều giống cây trồng có chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến nhấn mạnh: phải xã hội hoá lĩnh vực này, nếu không sẽ không đáp ứng được nhu cầu và không tiếp cận được thị trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, khi xã hội hoá thì giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản vẫn cần phải có sự quản lý của Nhà nước.
Ánh Tuyết