Các nhà nghiên cứu khoa học Ai Cập cho biết họ đã phát triển thành công công nghệ biến rơm rạ thành giấy, thuốc trừ sâu đồng thời giúp cắt hàng tấn cac-bon dioxit thải vào môi trường từ việc đốt rơm rạ của nông dân.
Công nghệ mới có khả năng chiết xuất 65 % cellulose từ rơm rạ thành nguyên liệu để sản xuất giấy, bìa cat-tông và hợp chất phenolic tự nhiên trong khi với công nghệ hiện tại chỉ tận dụng được 30%, Maha Al Khatib, một trong những nhà nghiên cứu cho biết.
Công nghệ này cho phép biến rơm rạ thành thuốc trừ sâu. (Ảnh minh họa)
Phenolic được tinh chế để sản xuất thuốc trừ sâu không độc hại với sức khoẻ con người mà đặc biệt hiệu quả đối với ruồi và muỗi Culex pipiens, một loại muỗi truyền bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh nhiễm trùng giun gây chết người có mặt khắp Ai Cập và nhiều quốc gia Châu Phi.
Theo ước tính, công nghệ có thể mang lại 85 triệu USD lợi nhuận từ 1.000.000 tấn rơm rạ tái chế mỗi năm, và tạo việc làm cho khoảng 100.000 người. Không những thế còn tránh phát thải 85.000 tấn khí carbon dioxide từ việc đốt rơm vào không khí.
Nghiên cứu đã được cấp bằng sáng chế năm 2010. Kết quả của công trình đã khuyến khích Chương trình Phát triển Nghiên cứu và Đổi mới, một chương trình được tài trợ bởi Liên Minh Châu Âu nhằm tăng cường đổi mới và chuyển giao công nghệ ở Ai Cập.
Theo Galal A. Nawwar, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu, rơm rạ là một ví dụ nổi bật nhất của chất thải nông nghiệp tại Ai Cập.
“Hàng năm có tới 4 triệu tấn rơm rạ bị đốt cháy. Điều này không những gây lãng phí về kinh tế mà còn gây ô nhiễm không khí”, Galal A. Nawwar nói.
Dự kiến công nghệ mới sẽ được ứng dụng tại các nông trại canh tác lúa ở Noubariya, cách Cairo 120 km vào tháng 12/2011.
Vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc truyền đạt công nghệ cho nông dân và cách mà nông dân áp dụng sao cho hiệu quả, GS Gamal M. Siam, làm việc tại ĐH Khoa Kinh tế Nông nghiệp của Đại học Cairo cho biết.
Song Hà (Theo Scidev.net)